Thứ Ba, 19 tháng 1, 2010

“Lao đao” địa điểm tổ chức events


Một trong những nỗi lo lớn của các đơn vị tổ chức sự kiện là địa điểm tổ chức. Hiện nay, có thể thấy thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai nơi có số lượng events diễn ra nhiều nhất. Tuy nhiên, địa điểm tổ chức tại 2 thành phố này vẫn “vừa thừa, vừa thiếu”. Thừa vì nhà hàng, khách sạn, nhà thi đấu, câu lạc bộ, sân vận động... có rất nhiều, nhưng lại thiếu vì chưa phù hợp với yêu cầu chung của một events cần có.


Thông thường các events họp báo, giới thiệu sản phẩm, lễ ra mắt, lễ kỉ niệm... địa điểm được nhắc đến đầu tiên là các khách sạn cao cấp từ 4 đến 5 sao. Tuy nhiên, nếu số lượng khách mời tham dự tiệc lên đến 500 người thì chỉ có rất ít nơi có thể đáp ứng được như Equatorial, Sheraton và gần đây là Park Hyatt (Hồ Chí Minh), tại Hà Nội lại càng hiếm hoi hơn với Melia và Deawoo. Các khách sạn 5 sao nổi tiếng khác như New World, Legend, Caravelle, Sofitel, Omni... sức chứa chỉ từ 300 - 400 người. Với các địa điểm như sân vận động, câu lạc bộ, nhà thi đấu... phục vụ cho các events đại trà, chất lượng phục vụ thường không cao, đơn vị tổ chức sự kiện hầu như ít nhận được hợp tác từ các đơn vị cho thuê mặt bằng. Khi mật độ events ngày một nhiều, một số địa điểm còn tỏ ra “bất cần” và ở những nơi này thường không tồn tại tiêu chí kinh doanh chung “khách hàng là thượng đế”. Những trường hợp chất lượng kém như hệ thống máy lạnh, ánh sáng chập chờn, an ninh lỏng lẻo, vệ sinh không đảm bảo, và tệ hơn là không cho thời gian dàn dựng và chạy thử chương trình (nếu muốn phải trả thêm tiền thuê địa điểm từ ½ đến bằng giá chính thức)... nhưng đơn vị tổ chức events vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì sợ không thể thuê vào những chương trình sau.

Một cái nhìn tổng thể về events trong thời điểm cuối tháng 12.2005 đầu tháng 1.2006 vừa qua cho thấy, đây là dịp cho những buổi lễ tổng kết cuối năm của các doanh nghiệp và địa điểm họ tìm đến chính là các khách sạn lớn. Lịch đăng ký phòng hội nghị tại các khách sạn dày đặc, một số doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền tỉ vẫn khó có thể tìm được phòng lớn vào các “ngày tốt”. Và thực tế tại những thời điểm này, điều dễ dàng nhận thấy ở thái độ của các khách sạn là “không khoan nhượng”, khách hàng nào chi ly, cò kè sẽ nhận được những cái lắc đầu dứt khoát không một chút ngần ngại. Đây cũng chính là tình trạng chung và phổ biến vào những mùa events cao điểm.

Event - Đất lành của các nghệ sĩ



Theo như ca sĩ Đức Tuấn đã từng tâm sự: “Hát tại các chương trình hội nghị khách hàng rất đơn giản, số lượng người xem không nhiều, thế nhưng ca sĩ lại được cát-sê cao, cao gấp nhiều lần các chương trình ca nhạc lớn được quảng cáo rầm rộ”. Đúng thật như thế, với các ca sĩ hàng “sao”, cát-sê vài chục triệu cho mỗi show ca nhạc thì tại các events, thu nhập có thể lên đến cả trăm triệu chỉ với 2 - 3 ca khúc. Có thể thấy, events của các công ty, doanh nghiệp đương nhiên trở thành “mảnh đất” thứ hai rất màu mỡ (bên cạnh sân khấu ca nhạc truyền thống) cho hoạt động nghệ thuật của họ.


Từ hội nghị khách hàng, chương trình giới thiệu sản phẩm mới, lễ kỉ niệm thành lập, lễ ra mắt... đến hoạt động cộng đồng, các doanh nghiệp (mà cụ thể hơn là các công ty events được doanh nghiệp thuê tổ chức sự kiện) đều mời ca sĩ đến góp vui cho chương trình. Rồi thì, nếu đã có chương trình tất yếu phải có MC, từ “thượng vàng” đến “hạ cám” đều có cả. Đó có thể là các MC sinh viên dẫn chương trình để kiếm thêm sinh hoạt phí đến MC chuyên nghiệp chuyên dẫn dắt chương trình trên các đài truyền hình đều có mặt tại các events. Bên cạnh đó, người mẫu cũng có nhiều “đất sống” hơn khi các events ra đời. Không kể các chương trình biểu diễn thời trang, giới thiệu sản phẩm mới của các công ty thời trang, may mặc, người mẫu còn tham gia “làm đẹp đội hình” cho doanh nghiệp như chào đón khách mời, đứng cạnh sản phẩm tôn vinh vẻ đẹp của sản phẩm, giới thiệu tính năng sản phẩm, diễn cùng sản phẩm...

Không chỉ ca sĩ, thu nhập của MC và người mẫu từ các events cũng cao hơn hẳn so với công việc truyền thống. Với những MC mới chập chững vào nghề cũng có thể kiếm được từ 200 - 500 ngàn đồng cho mỗi chương trình, còn những MC thuộc hàng “sao” hiện nay, mức cat-sê dẫn chương trình cho 1 events đã vượt quá ngưỡng 10 triệu đồng. Người mẫu cũng thế, mức lương của 1 vedette (người mẫu hàng “sao”) cũng từ 1 - 2 triệu đồng (đôi khi có thể hơn) cho một show diễn. Trung bình mỗi ngày có ít nhất 1 events được tổ chức, nhiều có thể không kể hết, đôi lúc các nghệ sĩ này phải chạy đến 2 - 3 show trong một ngày. Hơn thế, các chương trình này thông thường được diễn ra vào ban ngày nên họ không sợ mất show và lại có thêm một khoản thu nhập đáng kể.

Thế nhưng, mặt trái của hiện tượng này cũng là điều rất đáng suy nghĩ. Được biết đến như là nơi “kiếm tiền” dễ chịu nhất và cũng sang trọng nhất do thường được tổ chức tại các khách sạn 4, 5 sao, các trung tâm mua sắm lớn... events được giới nghệ sĩ chào đón khá nhiệt tình. Tuy nhiên, khi đã đạt được thỏa thuận về giá cả, một số ca sĩ chỉ đến biểu diễn nhưng lại không biết sẽ tham gia vào chương trình gì, cho doanh nghiệp nào, ý nghĩa ra sao, họ hát những ca khúc quen thuộc như để làm tròn nhiệm vụ. “Bi kịch” hơn là các MC đến dẫn chương trình nhưng lại chưa biết một tí gì về nội dung chương trình. Thông thường, doanh nghiệp sẽ gởi MC script (bài nói của MC) trước vài ngày để MC nghiên cứu, nhưng có thể quá chủ quan về chuyên môn, một số MC chỉ đọc trước vài giờ, đôi khi chỉ vài phút ngắn ngủi khi chương trình bắt đầu. Và kết quả là dẫn chương trình sau đó không “ăn nhập” gì với nội dung khiến cho đơn vị tổ chức phải “toát mồ hôi”, khách mời thì tủm tỉm, doanh nghiệp thì bẽ mặt. Tệ hơn là do chạy sô quá nhiều chương trình (và cũng có thể do bệnh “sao”), một số MC, ca sĩ, người mẫu,... thường sử dụng giờ “dây thun” làm cho các đơn vị tổ chức sự kiện phải điêu đứng không biết phải “chắp vá” chương trình như thế nào.

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2010

Các bước kiểm tra trước khi tổ chức sự kiện - Kỳ 2


VI. Doanh nghiệp phải làm gì để quảng bá cho việc tổ chức sự kiện ?

1. “Không chỉ dựa vào lần tổ chức sự kiện này để công ty nắm tất cả cơ hội tiềm năng”. Bạn có đồng ý vậy không ?
2. Trước khi tổ chức sự kiện, công ty sẽ tổ chức những hoạt động quảng bá nào ?
3. Qua những hoạt động quảng bá trước khi tổ chức sự kiện, doanh nghiệp cần làm những gì để xác định được đối tượng khách hàng mục tiêu ?
4. Qua những hoạt động quảng bá trước khi tổ chức sự kiện, doanh nghiệp cần làm những gì để thu hút sự tham gia của khách hàng mục tiêu ?
5. Với sự góp mặt của nhiều công ty khác nhau trong thời gian tổ chức sự kiện, doanh nghiệp cần tổ chức hoạt động xúc tiến và quảng bá như thế nào để tranh thủ sự ưu tiên quan tâm của những khách hàng tham dự ?


VII. Doanh nghiệp cần làm gì để thiết lập và phát triển liên hệ khách hàng ?

1. Cần làm gì để dồn hết sự tập trung vào “chất lượng”, thay vì số lượng các lần gặp gỡ khách hàng ?
2. Cần làm gì để sau khi kết thúc từng sự kiện để theo sát các mối liên hệ đã tạo dựng được nhằm tạo ra lợi nhuận thực sự cho công ty (với tập trung, kiên nhẫn) ?
3. Công ty đã chuẩn bị kế hoạch quản lý những mối liên hệ đó chưa ?
4. Cần làm những gì trước khi quyết định đầu tư vào việc tổ chức sự kiện lần khác ?

VIII. Thể hiện sự chú ý đối với nguồn nhân lực
Nếu sự kiện là phương tiện quảng bá trực tiếp, thì yếu tố để đạt mục tiêu quảng bá chính là sự tham gia ở cả hai phía: phía khách hàng và phía tổ chức sự kiện. Vì thế:

1. Trước, trong, sau sự kiện, công ty cần làm gì để phát huy tác dụng của khách hàng ?
2. Trước, trong, sau sự kiện, công ty cần làm gì để phát huy tác dụng của người tổ chức sự kiện ?
3. Làm gì để xác định đúng đối tượng khách hàng ?
4. Làm gì để thuyết phục khách hàng hưởng ứng bạn trong sự kiện thương mại này ?
5. Làm gì để tuyển chọn đội ngũ nhân viên để có thể giao tiếp với đối tượng khách hàng mục tiêu ?
6. Làm gì để huấn luyện và tạo động lực tốt cho đội ngũ nhân viên để có thể giao tiếp với đối tượng khách hàng mục tiêu ?

IX. Làm gì để việc tổ chức sự kiện phục vụ cho mục tiêu kinh doanh ?

1. Làm gì để mỗi thành viên tham gia sự kiện được hiểu, nhớ, làm đúng “mục tiêu chung” của lần tổ chức sự kiệnnày ?
2. Làm gì để mỗi thành viên tham gia mỗi sự kiện được hiểu, nhớ, làm đúng “mục tiêu” của sự kiện đó ?
3. Làm gì để mỗi sự kiện thực sự là một cuộc triển lãm hàng hoá hấp dẫn, thu hút ?
4. Làm gì để tạo được tinh thần hiếu khách ?
5. Làm gì để bảo đảm các yếu tố hậu cần và vô số những công việc lặt vặt khác ?
6. Làm gì để mối thành viên tham gia sự kiện hiểu rằng “sự kiện cũng chỉ là một yếu tố, một thành phần trong toàn bộ chiến lược tiếp thị, là phương tiện để hướng đến mục đích cuối cùng và chịu sự chi phối của toàn bộ chiến lược kinh doanh của công ty ?”.

Các bước kiểm tra trước khi tổ chức sự kiện - Kỳ 1


I. Tổ chức sự kiện để phục vụ cho chiến lược kinh doanh

1. Sẽ làm gì để phục vụ chiến lược đưa sản phẩm ra thị trường ?
2. Những người tham gia sự kiện hiểu thế nào khi phải tổ chức sự kiện “không hợp với mục tiêu kinh doanh của công ty ?”.



II. Để tổ chức sự kiện, phải xác định đối tượng “khách hàng mục tiêu”

1. Sẽ làm gì để xác định (và phát triển) số lượng (và giá trị) của những khách hàng mà sự kiện thu hút được (kể cả những khách hàng tiềm năng) ?
2. Nói cụ thể, khách hàng của mình là những ai ?
3. Những thông điệp gì mà Công ty muốn truyền tải đến khách hàng mục tiêu ?.
4. Sẽ kiểm tra mấy lần đối với kế hoạch chi tiết về các hoạt động thu hút đúng đối tượng khách hàng (mà công ty) cần hướng đến,
5. Sẽ làm gì để hạn chế những đối tượng không nhiều tiềm năng (giúp chúng ta có thể làm việc tập trung và hiệu quả hơn cho những khách hàng kia).

III. Phải nêu ra được các mục tiêu cụ thể của việc tổ chức sự kiện
Sau này sẽ không đo được những kết quả mà sự kiện mang lại cho danh tiếng của công ty, nếu hôm nay chưa đặt ra các mục tiêu cần hướng đến. Phải tổ chức mấy sự kiện, vậy mục tiêu cụ thể đối với mỗi sự kiện là gì ?

1. Vẫn tổ chức nhiều sự kiện hay điều chỉnh (thêm, bớt, ghép, mở rộng - 1 sự kiện nào đó)?
2. Vậy mục tiêu chung của công ty khi quyết định tổ chức cả 9 sự kiện là gì ?
3. Mục tiêu phát triển uy tín công ty lần này là những gì, đối với những ai ?
4. Mục tiêu lợi nhuận (tiền bạc) lần này là bao nhiêu ?
5. Mục tiêu xây dựng quan hệ lần này là những gì ?
6. Mục tiêu chiếm lĩnh cơ hội lần này là những gì?
7. Các mục tiêu khác
8. Với mỗi sự kiện cụ thể (trong các sự kiện) cần đạt mục tiêu gì trên đây ?

IV. Tổ chức sự kiện không là công cụ đa năng để tiếp thị

1. Để thành công trong chiến lược kinh doanh (CLKD) của công ty, có thể dùng những cách nào khác (hiệu quả hơn) thay cho việc tổ chức những sự kiện sắp tới ?
2. Hãy mạnh dạn trả lời câu hỏi (nói to lên một cách kiên quyết) :”Có cần thiết phải tổ chức sự kiện không” ?
3. Có cần điều chỉnh gì nữa ?.
4. Nếu không quan tâm đến sự thoả mãn từ phía khách hàng (và khán giả), công ty sẽ thoả mãn bao nhiêu % khi sự kiện được tổ chức ?

V. Chiến lược kinh doanh thì lâu dài còn tổ chức sự kiện chỉ diễn ra vài ngày (hoặc vài giờ)
Tổ chức sự kiện thường chỉ là một phần nhỏ của chiến lược tiếp thị và quảng bá cho doanh nghiệp.

1. Những nội dung khác trong “chiến lược tiếp thị và quảng bá ” của công ty là gì ?
2. Lúc này (năm, quý, tháng), việc tổ chức sự kiện chiếm bao nhiêu % trong “chiến lược tiếp thị và quảng bá ” của công ty ?

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2010

Kiến thức sự kiện - Tổ chức giao lưu - Kỳ 3


C.Một số công việc khác:

1. Lập và phân công Ban tổ chức:

Lập cho được ban tổ chức với thành phần gồm:

Trưởng ban: phụ trách chung, có thể kèm thêm một số việc.

Phó ban: phụ trách hoạt động hoặc nội dung. Chuyên tổ chức các nội dung hoạt động chính trong giao lưu.

Phó ban: phụ trách hậu cần, chuyên lo trang trí, nuớc uống, âm thanh…

Một số ủy viên khác chuyên lo từng nội dung nhỏ như văn nghệ, trò chơi, âm thanh, ánh sáng, tiếp tân…



Lực lượng tham gia Ban tổ chức nên chọn:

· Từ trong nội bộ các đơn vị giao lưu.

· Chọn những người am hiểu công việc, nhiệt tình, nhiều kinh nghiệm tổ chức.

Sau khi có Ban tổ chức nên có họp phân công công việc cụ thể theo khả năng từng người.

2. Có chế độ kiểm tra công việc:

Từng công việc chuẩn bị có ảnh hưởng lớn đến thành bại của cuộc giao lưu nên cần kiểm tra kỹ từng nội dung: từ hậu cần, kịch bản chi tiết đến văn nghệ phục vụ…

3. Dự trù kinh phí:

Lên kinh phí chi tiết cho từng công việc.

Các vật dụng mượn phải bảo quản tốt để trả lại, các vật dụng mua phải có chứng từ rõ ràng để quyết toán.

Nên dự trù từ bộ phận, sau đó tổng hợp chung lại.

Kinh phí có thể đơn vị đăng cai lo hoặc những đơn vị tham dự hỗ trợ trên tinh thần cùng thỏa thuận.

Các điều cần lưu ý khi tổ chức giao lưu:

1. Toàn bộ chương trình (kể cả kịch bản chi tiết) phải được thông qua cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Trong lúc giao lưu, tác phong, ngôn phong, thái độ… của từng thành viên có ảnh hưởng rất lớn đến khía cạnh ngoại giao nên cần nhắc nhở các thành viên phải hết sức thận trọng.

3. Các giờ giấc đề ra trong giao lưu cần thực hiện nghiêm túc, nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến không khí, tinh thần của cuộc giao lưu. Nhiều chương trình thất bại do thực hiện giờ giấc không đúng.

4. Thật linh động và chủ động điều chỉnh các nội dung khi thấy tình hình diễn biến không phù hợp như: mưa gió bất thường, các tiết mục không hay mà lại quá nhiều, mọi người bỏ ra ngoài hoặc sinh hoạt việc riêng nhiều, không khí trầm quá cần có nội dung khác sinh động hơn…

5. Trước khi kết thúc cần tạo cao trào, tạo ấn tuợng tốt khi chia tay để có lần giao lưu khác.

6. Đừng quên trang trí cho hình thức của buổi giao lưu như phông màn, bình hoa, hoa rời để tặng, chổ ngồi đại biểu… vì nó góp phần không nhỏ vào thành công của buổi lễ.

7. Người dẫn chương trình có vai trò rất quan trọng, cần chọn người có khả năng sinh hoạt tập thể, hát, tổ chức trò chơi, có tính hài hước, có uy tín để lôi cuốn mọi người tham gia.

Giao lưu là một hoạt động rất cần cần thiết và bổ ích cho công tác thanh niên. Tổ chức thành công mỗi cuộc giao lưu vừa là tạo sân chơi tốt cho thanh niên, đồng thời, góp phần giáo dục nhân cách và mở rộng vòng tay bè bạn.

Kiến thức sự kiện - Tổ chức giao lưu - Kỳ 2


B.Lên chương trình chi tiết cuộc giao lưu:

Từ các ý đã chuẩn bị của phần (A) ta cần cụ thể hóa thành chương trình chi tiết sau:

Chương trình chi tiết:

I. Mục đích yêu cầu cuộc giao lưu: (nêu cụ thể ra thành 2 nội dung: mục đích, yêu cầu).

II. Nội dung và hình thức cuộc giao lưu: (nêu cụ thể các nội dung có được, các hình thức thể hiện cụ thể qui mô dự định diễn ra…).

III. Thời gian, địa điểm, nhân sự: (nêu rõ thời gian tổng thể, địa điểm ở đâu? Bao nhiêu địa điểm? Tổng số nhân sự tham gia? Chia bao nhiêu tổ?).


IV. Chương trình chi tiết:

KHAI MẠC



1. Tập hợp lực lượng: (cần nhanh gọn để tạo ra khí thế phấn khởi ban đầu cho cuộc giao lưu).

Một số hình thức tập hợp lực lượng được sử dụng nhiều như:

- Nếu giao lưu trong hội trường: trước khi diễn ra, đơn vị chủ nhà nên có mặt trước, khi đơn vị bạn tiến vào hội trường sẽ đón bằng cách hô băng reo, sau đó là các bài hát tập thể chào mừng (Mừng anh, Nụ cười hồng, Bốn phương trời…).

- Nếu giao lưu ở ngoài sân: đơn vị chủ nhà nên tổ chức chơi một số trò chơi để tạo không khí vui tươi, sau đó có thể dùng các bài hát chào mừng, hát sinh hoạt tạo thành liên khúc để mọi người trong vòng tròn tạo nên đội hình rồng rắn mời gọi các thành viên của đơn vị bạn gia nhập vòng tròn.

- Nếu muốn “pha trộn” lực lượng các đơn vị giao lưu, trước khi vào vị trí ta nên tổ chức trò chơi “ghép tim”.

- Nếu muốn tạo sự tự nhiên trước khi giao lưu có thể chơi một số trò chơi khác như: nhảy sạp vào hội trường (ai nhảy không đúng mời ra nhảy lại), đường lên thiên đàng (đi vào lối có đèn để “được” Ban tổ chức thị thực bằng các hành động hài hước vẽ mặt, bôi lọ…).

- Nếu muốn tạo khí thế vui khỏe thì tổ chức diễu hành, có lời giới thiệu khi từng đơn vị tiến vào hội trường.

2. Tuyên bố lý do:

Tùy theo tính chất từng cuộc giao lưu có thể nói nghiêm túc hoặc nhẹ nhàng, vui tươi dí dỏm. Tuyên bố nên ngắn gọn, súc tích xoay quanh các ý sau:

- Lập lại mục đích ý nghĩa được giao lưu.
- Tinh thần đoàn kết và hữu nghị các đơn vị.
- Tin tưởng cuộc giao lưu sẽ thành công.

3. Giới thiệu đại biểu:

Giới thiệu đại biểu trong giao lưu có nhiều hình thức; nếu để tạo tính nghiêm túc thì đơn vị chủ nhà có thể đảm nhiệm cả các thủ tục khai mạc, nội dung, bế mạc, trong đó có giới thiệu đại biểu. Nếu để tạo sự gần gũi thân mật giữa các đơn vị thì có thể bố trí tại đơn vị nào giới thiệu người tham gia lãnh đạo đoàn, đại biểu của đơn vị mình… Trong giới thiệu đại biểu nên:

- Giới thiệu đại biểu cấp cao trước.
- Giới thiệu đại biểu là khách trước, chủ nhà sau.

Lưu ý:

- Đừng quên giới thiệu lực lượng tham gia.
- Được giới thiệu đại biểu bổ sung (khi đại biểu đến trễ hoặc do ta sai sót).

4. Thông qua chương trình:

- Thông qua tổng thể các nội dung của chương trình để mọi người theo dõi.
- Nên sơ nét cách chơi, luật chơi… của các nội dung dự kiến

5. Giới thiệu ban giám khảo, thư ký, người dẫn chương trình:

- Thành phần Ban giám khảo gồm: chánh chủ khảo, các thành viên.
- Thư ký: từ 1 – 2 người.
- Người dẫn chương trình: từ 1 – 2 người.

Lưu ý:

· Ở Ban giám khảo nên cơ cấu có đại diện các đơn vị tham gia giao lưu, chọn người am hiểu các nội dung, có thời gian dự xuyên suốt và không vướng bận các nội dung khác để chấm điểm chính xác (có tham khảo trước khi công bố).
· Ở người dẫn chương trình: nên chọn người am hiểu công việc này.

VÀO CHƯƠNG TRÌNH


Cần lưu ý các việc sau đây:

· Thứ tự các nội dung, tiết mục, sau khi hội ý xong cần ghi cụ thể để tránh nhầm lẫn, bỏ sót.

· Về bố trí tiết mục: nên xen kẽ nhau để các đơn vị được lần lượt xuất hiện trước mọi người.

· Cần tạo cao trào cho phần mở màn và kết thúc. Ví dụ: tốp ca, đồng ca, hợp ca thường đóng vai trò mở màn, đơn ca, thơ, kể chuyện, ca cổ, hái hoa… giữa chương trình. Kịch, múa, thời trang, tái hiện lịch sử truyền thống, khiêu vũ, nhảy sạp, múa tập thể… ở phần kết thúc.

· Tùy tình hình cuộc giao lưu co thể thêm vào một số nội dung khác như trò chơi nhỏ, hát phục vụ đại biểu, phóng vấn…

BẾ MẠC


Đây là phần cuối của toàn bộ chương trình giao lưu nên cần tạo cao trào để kết thúc. Bế mạc thường gồm có các phần sau:

· Tạo không khí vui nhộn bằng các loại trò chơi trong phòng (đây cũng là thời điểm Ban giám khảo và thư ký hội ý để cho ra kết quả thi đua trong lúc giao lưu…).

· Công bố kết quả đạt được. Lúc công bố có thể nêu kết quả thấp trước cao sau để tạo thêm phần hồi hộp cho khán giả.

· Phát thưởng: phần này có tính đến từng đợt phát, mỗi đợt dự kiến mời đại biểu nào trao, ai làm công tác hậu cần.

· Phát biểu của đại diện đơn vị bạn, đơn vị chủ nhà nên phát biểu sau kèm luôn lời kết thúc.

· Phát biểu kết thúc của Ban tổ chức hoặc người dẫn chương trình (nếu cần).

· Thủ tục chia tay (có thể hát một loạt các bài hát chia tay, cũng có thể cử đại diện lần lượt bắt tay tiễn khách…).

Kiến thức sự kiện - Tổ chức giao lưu - Kỳ 1


Giao lưu là sự tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi qua lại giữa hai hay nhiều đơn vị với nhau nhằm học tập, giải trí, hiểu biết lẫn nhau…, tăng cường hơn nữa mối đoàn kết hữu nghị giữa các đơn vị.

Giao lưu có rất nhiều hình thức thể hiện như: thông qua một kỳ trại, một buổi đấu bóng đá, bóng chuyền… một buổi hội thảo, trao đổi.

Riêng bài này chỉ nhằm giới thiệu giao lưu là một hình thức hoạt động văn hóa, văn nghệ, loại hình mà hiện nay ở các cơ sở Đoàn – Hội thường hay tổ chức.



A. Công tác chuẩn bị:

Để chương trình giao lưu diễn ra suôn sẻ và thành công như ý định, trong chuẩn bị cần nắm chắc các ý sau:

1. Mục đích yêu cầu của cuộc giao lưu:

Do xuất phát từ khái niệm giao lưu nên người tổ chức cần xem đây là dịp thực hiện các chức năng cụ thể của tổ chức mình.

¨ Chức năng giáo dục và rèn luyện:

Ví dụ: Thông qua giao lưu, bằng hình thức thi tìm hiểu, hái hoa dân chủ, tái hiện lịch sử… ta có thể lồng vào các nội dung tìm hiểu về Đảng, Đoàn, Bác Hồ, về kiến thức chung, về phong tục tập quán của một địa phương, hay đơn vị cụ thể nào đó…

¨ Chức năng giải trí, vui chơi:

Ví dụ: Thông qua giao lưu, ta có thể lồng vào các hình thức: hát, kể chuyện, trò chơi sinh hoạt… tự tìm hiểu các mô hình hoạt động hay để học tập, tạo cho các thành viên trong đơn vị tính dạn dĩ, lòng tự tin, tự chủ khi có dịp xuất hiện trước đám đông…

2. Đối tượng cuộc giao lưu

Về đối tượng ta nên nắm cụ thể: số lượng bao nhiêu? Thành phần nào? Chia bao nhiêu tổ, toán? Chia theo từng đơn vị hay pha trộn nhiều đơn vị thành 1 tổ? Số lượng nam nữ có tương đồng không? Nam nhiều hay nữ nhiều? Tuổi? Đặc biệt là trình độ kỹ năng tổ chức hoạt động của các lực lượng có tương đồng hay không? Đây là điều quan trọng vì rất nhiều chương trình giao lưu không thành công bởi xuất phát từ đối tượng không tương đồng về ngành nghề, tuổi tác, số lượng…

3. Thời gian giao lưu:

Nên nắm tổng thể thời gian có được là bao lâu: 2 giờ, 4 giờ, 1 ngày, 2 ngày…? Theo nguyên tắc hoạt động thì thời gian càng nhiều cường độ hoạt động càng ít. Thời gian có được của cuộc giao lưu là ngày hay đêm? Nếu là ngày thì nên xen vào các loại hình thể dục, thể thao, tham quan ngắm cảnh… nếu là đêm thì nên có các loại hình văn hóa, văn nghệ… phân bổ thời gian cần lưu ý các sinh hoạt khác như ăn uống, ngủ nghỉ, các sinh hoạt cá nhân.

4. Địa điểm giao lưu:

Có bao nhiêu địa điểm cần sử dụng, địa điểm trong phòng hay ngoài trời? Chỗ ngồi cho người tham gia thế nào? Âm thanh, ánh sáng? Trang trí? Thời tiết lúc giao lưu diễn ra? Có gì thuận lợi cần phát huy, có gì khó khăn cần khắc phục?

5. Hình thức qui mô cuộc giao lưu:

Hình thức, qui mô cuộc giao lưu thể hiện ở nhiều góc độ: từ đầu đến cuối cuộc giao lưu; từ nội dung, hình thức thể hiện, đến số lượng người tham gia lẫn đại biểu đến dự.

Thí dụ: Đêm giao lưu sẽ có diễn văn nghệ, vậy trong văn nghệ đó người diễn có tập dợt nhiều không hay chỉ là xử lý tình huống? Dàn âm thanh ánh sáng được chuẩn bị như thế nào? Có chụp ảnh, quay phim? Có đại biểu dự nhiều không? Khán giả là ai? Số lượng…?

6. Nội dung cuộc giao lưu:

Nội dung nào để giáo dục? Rèn luyện? Giải trí? Làm quen? Để chúc mừng? Để tự thể hiện mình? Hình thức nào thể hiện các nội dung đó? Hình thức có phù hợp với đối tượng?

7. Phương tiện phục vụ cho cuộc giao lưu:

- Phục vụ cho ăn, ngủ nghỉ, đi lại (nếu có).

- Phục vụ cho các hoạt động: âm thanh, ánh sáng, bàn ghế, hội trường, nước uống, trang trí, đàn, máy ảnh.

- Phục vụ cho các nội dung: vật dụng trò chơi, câu hỏi, đáp án, bảng điểm,…

- Quà thưởng, quà lưu niệm…

8. Ban tổ chức cuộc giao lưu:

Dự kiến ban tổ chức bao nhiêu người? Thành phần gồm có ai? Chia bao nhiêu bộ phận? Phân công nhiệm vụ gì cho mỗi bộ phận và cá nhân?...

Cần phối hợp chặt với đơn vị giao lưu để cùng thỏa thuận, để chuẩn bị tốt các nội dung trên. Tránh tự ý đề ra nội dung sau đó buộc các đơn vị bạn phải theo ý định của riêng đơn vị mình.

Kiến thức sự kiện - 7 bí kíp thực hiện chương trình quảng cáo dành cho phái nữ - Kỳ 2


4. Hãy dùng những slogan cụ thể

Lady khoái cụ thể hơn là trừu tương vì họ thiên về cảm tính hơn lý trí. Muốn mẩu quảng cáo của mình lôi kéo được sự chú ý của họ thì chuyên gia quảng cáo phải đưa ra hình ảnh, lời nói cụ thể, dễ hiểu, tránh lối diễn đạt trừu tượng, họ rất ghét đấy

Hãy xem cách quảng cáo một loại bình thuỷ dùng điện: họ dùng một câu slogan cực kỳ đơn giản ” chỉ cần ấn một cái’, vậy mà sản lượng bán cứ tăng ầm ầm do đánh trúng tâm lý thực dụng này của lady


5. Đừng bao giờ đưa ra quá một ưu điểm

Trái với thói quen kể lể dông dài, khi lựa chọn hàng hoá lady lại ưu tiên cho sự ngắn gọn. Khác với men khi chon hàng thì so sánh ưu điểm từng mặt hàng rồi mới cân nhắc mua loại nào là tốt, lady thì không thế. nếu nhà quảng cáo đưa ra quá nhiều ưu điểm sẽ làm họ nảy sinh tâm lý nghi ngờ và cảnh giác. Quảng cáo hàng hoá tốt nhất nên dồn vào một điểm nổi bật để quảng cáo thì mới được lady ấn tượng và tin tuởng.

Hãy xem một ví dụ cụ thể trên thị trường: Dầu gội đầu Clear trước sau vẫn trung thành với tính năng” trị gàu” nên lady nếu có gàu thường nghĩ ngay đến dùng Clear, trong khi đó một loại dầu gội của hãng khác lúc thì quảng cáo cho tính năng trị gàu, lúc lại cho ra đời loại làm mượt tóc . Nó tạo nên một hình ảnh không nhất quán nên mặc dù chất lượng rất tốt nhưng doanh số không bao giờ theo kịp Clear.

6. Hãy nắm bắt tâm lý “chạy theo mốt”

Lady thường có tâm lý ít chịu thua chị kém em, đôi khi bỏ tiền ra mua những thứ không cần thiết lắm chỉ vì thấy mọi người đều dùng. Thêm vào đó ý thức bầy đàn của họ cũng rất mạnh, thấy nhiều người dùng thì cứ nghĩ là sản phẩm tốt lắm nên bắt chước mua. Các chuyên gia quảng cáo cần chú ý thói quen này. hãy thuyết phục họ tin rằng ” sản phẩm ấy được tất cả chị em phụ nữ tin dùng”. Tất nhiên là đối với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, sự khác biệt giữa chúng không đáng kể thôi chứ hàng thuộc loại cao cấp, hiếm có mà quảng cáo là ai cũng dùng thì đời nào họ mua!

7. Hãy giúp lady giải toả nỗi lo lắng

Muốn quảng cáo của mình thúc đẩy lady mua hàng thì nhà quảng cáo phải tìm xem quanh họ có gì khiến họ ưu tư mà giải toả nó. Họ có rất nhiều nỗi lo đấy: nào là lo lắng về những khiếm khuyết trên cơ thể, lo không giữ được nét thanh xuân, lo cho sức khoẻ gia đình…Ối chà, cả một”mỏ ” lo lắng tha hồ mà khai thác . Các nhà quảng cáo cho sản phẩm sữa, hạt nêm, kem phấn…cần không ngừng sáng tạo để hoá giải các nỗi lo của lady và đem doanh số về cho sản phẩm mình quảng cáo.

Trên đây là 7 “bí kíp” quảng cáo cho khách hàng nữ, nếu quý vị chú ý vận dụng thì chắ chắn sẽ mang lại nhiều điều hữu ích. Tuy nhiên cần phải nhớ rằng: các lady cũng vô cùng tinh tế, nhạy cảm. Cho nên “bí kíp” tối thượng để đánh trúng tâm lý của họ chính là sự chân thật. Nhà quảng cáo nào không nắm vững “bí kíp” này xem như chưa tìm được chìa khoá mở cánh cửa thành công rồi

Kiến thức sự kiện - 7 bí kíp thực hiện chương trình quảng cáo dành cho phái nữ - Kỳ 1


Có đến 70% sản phẩm nhắm đến khách hàng là phái đẹp. Dễ hiểu thôi vì họ là tay hòm chìa khoá trong gia đình, là người quyết định việc chi tiêu mua sắm, họ lại hay quan tâm đến hình thức và nhãn hiệu hơn phái mạnh nữa.

Chính vì thế, là một chuyên gia quảng cáo không thể không tìm hiểu về tâm lý phụ nữ. Đánh trúng được tâm lý của các lady xem như đã thành công trong việc khuyến dụ họ tiêu dùng.

Nhân ngày “vùng lên” của chị em, xin trình làng 7 “bí kíp” mà bổn báo đúc kết trong việc ứng dụng tâm lý học vào hoạt động quảng cáo hàng hoá cho phái nữ


1. Luôn nhắc đến những điều có lợi cho lady sẽ dễ thuyết phục họ:

Trong cuộc sống, lady vốn nhạy cảm hơn men về khoản phản ứng với những thua thiệt. Dẫn chứng thì đầy rẫy: ngoài phố thấy cái gì trưng biển “sale off” là ùn ùn kéo đến, đi chợ thì phải tính toán so đo từng mớ rau con cá. Giả sử trước khi chương trình thời sự bắt đầu mà có dòng chữ ” Sau chương trình này sẽ có tiết mục tặng quà . Kính mong quý vị đón xem” thì y như rằng sau chương trình sẽ có đến 80% khách hàng là nữ gọi điện đến xin nhận quà. Bởi vì phụ nữ họ sẵn sàng theo đuổi chương trình dài đến 60′ để được tặng quà chứ không như nam giới không đủ kiên nhẫn hoặc không quan tâm mà quên ngay.

Đây là đặc tính cơ bản của phái nữ do đó khi viết chương trình quảng cáo phải chú ý xem xét tỷ lệ khách hàng nam nữ rồi mới quyết định nội dung quảng cáo.

2. Hãy ghi nhớ “những lady trẻ tuổi thích được quan tâm”

Lady rất dễ bị hút hồn khi nhận được sự quan tâm sâu sắc đến cá nhân họ, cảm thấy như cái tôi của mình được vuốt ve. Họ đặc biệt quan tâm đến những mẩu quảng cáo có lời lẽ như đang tâm tình với chính họ.

Bởi vậy khi viết lời quảng cáo cho đối tượng là nữ giới nên dùng lối diễn đạt nhẹ nhàng, truyền cảm, dùng ngôi nhân xưng số ít ” bạn”, “chị” hay là dùng từ “chúng ta” sẽ làm họ có cảm tưởng đó như một lời tâm sự chỉ nói với một mình họ, từ đó sẽ cảm thấy thân mật và dễ bị thuyết phục hơn.

Một số nhãn hiệu thuộc dòng sản phẩm phục vụ lady như mỹ phẩm, băng vệ sinh …đã khéo léo ứng dụng tâm lý này và đã rất thành công như các câu slogan ” chuyện của bạn gái chúng mình”, “bí quyết làm đẹp này của riêng bạn”…

3. Cần biết rằng lady rất kết từ “hơn”

Nào là mong mình được nam giới chú ý hơn nè, mong tóc mình đẹp hơn tóc các cô bạn cùng chỗ làm việc nè, mua sắm cũng mong mua hàng rẻ hơn, tốt hơn. Họ đặc biệt quan tâm đến quảng cáo kiểu ” tiết kiệm 15 ngàn đồng”, “quần áo thơm tho chỉ với 1 ngàn đồng”, “trắng hay trắng hồng tự nhiên ” ( cũng hàm ý “hơn”). Nhà quảng cáo cần tóm lấy tâm lý “quáng gà ” này để khêu gợi sự chú ý từ phái nữ. Khi quảng cáo không nói được chữ ” hơn” hay ám chỉ được cái “hơn” thì phản ứng của họ sẽ rất yếu.

Kiến thức sự kiện - Kỹ năng xây dựng nhóm cộng tác


1. Nhóm cộng tác là gì ?
Nhóm quy tụ những cá nhân chia sẽ các mục tiêu chung và cần làm việc chung để hoàn thành nó.

2. Tại sao lại cần sự cộng tác ?
§ Tạo sự tận tụy.
§ Hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau.
§ Phối hợp các hoạt động của các cá nhân.
§ Qua đó có thể nhận diện các nhu cầu đào tạo và phát triển.
§ Giúp thỏa mãn nhu cầu “thuộc về” của con người.
§ Giúp truyền thông tốt hơn.


3. Các yếu tố của sự cộng tác
3.1. Sự tham gia của mọi cấp độ của nhân viên : các nhân viên đóng góp vào tiến trình quản lý (tích cực và tiêu cực hoặc cả hai).
Các nhân viên cần có kiến thức cơ bản về quản lý vì ngày nay mọi nhân viên đều liên quan đến quá trình hoạt động của cơ quan.

3.2. Sự nhập cuộc : thể hiện năng lực và tận tụy : 3 H (heart, hand, head - tâm, tay, đầu) trong công việc.
§ Trung thực với nhau, thể hiện sự quan tâm chăm sóc lãnh đạo và đồng nghiệp. Mọi người đều cần sự hỗ trợ và khen thưởng.
§ Kín đáo : không nói những gì mình biết được trong cơ quan cho người khác biết.
§ Nhạy cảm với các nhu cầu của người khác. Cần có sự đánh giá và đề nghị chân tình với người khác chấp nhận.
§ Sáng tạo : tìm ý tưởng mới, mục tiêu, kế hoạch, phương pháp mới.

4. Tiến trình cộng tác

4.1. Truyền thông : chia sẻ ý tưởng và cảm xúc :
§ Lắng nghe hơn là chỉ nghe.
§ Tương tác và phản hồi cho nhau các ý tưởng qua các cuộc gặp gỡ không chính thức, thư, báo cáo, trao đổi trực tiếp.

4.2. Thỏa hiệp : chấp nhận thỏa hiệp nếu có sự khác biệt. Khi có sự khác biệt về nền tảng giá trị, phải tôn trọng nhau và làm bất cứ gì để hiểu nhau và giải quyết vấn đề.

4.3. Sự hợp tác : nền quản lý có sự tham gia đòi hỏi một sự thỏa thuận tốt về hợp tác (thời gian và sức lực). Một trong các kẻ thù của nhóm cộng tác là sự tranh đua trong nhân viên. Có 3 loại:
- Người tranh thủ tối đa.
- Người thù địch.
- Người cộng tác.

4.4. Sự phối hợp : đòi hỏi có sự xác định rõ ràng về mặt tổ chức, vai trò và trách nhiệm riêng biệt và phạm vi chức năng rõ ràng.

4.5 Sự hoàn tất : sự cộng tác không chỉ ở mức độ khởi đầu các hoạt động mà còn phải hoàn tất nó.

5. Kết luận
Nhóm cộng tác là nhóm gồm những cá nhân làm việc với nhau để hoàn thành công việc cao hơn là khi họ làm việc một mình.

3 thành tố của quản lý nhóm cộng tác hiệu quả :
¨ Kỹ năng về con người.
¨ Cơ cấu tổ chức.
¨ Phong cách quản lý.

3 yếu tố thành công trong việc xây dựng nhóm cộng tác :
- Tạo sự hòa hợp tốt trong nhóm.
- Tổ chức con người và tài nguyên cho các công việc.
- Chọn phong cách lãnh đạo phù hợp.

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2010

Những thử thách trong tổ chức sự kiện - Kỳ 3


5. Trong tay luôn có bảng danh mục công việc cần làm để nắm bắt tình trạng công việc và thời gian hoàn tất. Ngoài ra, cũng không thể thiếu bảng tiến độ công việc, cũng như phải nghĩ đến các phương án quản lý rủi ro để có thể giải quyết sự cố xảy ra một cách an toàn và nhanh chóng nhất. Đó là những tâm niệm cơ bản của người làm nghề tổ chức sự kiện, cũng như doanh nghiệp muốn tự đứng ra làm chương trình cho mình. Quan trọng hơn hết, không được xem nhẹ bất cứ công việc nào, dù là rất nhỏ như chọn bài hát làm nhạc dạo đầu cho chương trình, đặt lẵng hoa trên bàn tiếp tân… Có việc tưởng chừng đơn giản như chuẩn bị khay và khăn cho phần nghi lễ trao tặng quà, nhưng vì người tổ chức không kiểm tra kỹ, đến lúc xuất hiện trên sân khấu thì chỉ thấy chiếc khay trơ trụi với phần quà mà lại thiếu tấm khăn phủ! Những việc linh tinh này phải được liệt kê chi tiết trong bản danh mục công việc cần làm và phải phân công cụ thể cho từng người chịu trách nhiệm.


Ở một sự kiện được tổ chức chuyên nghiệp, người ta sẽ tính đến các giải pháp xử lý khủng hoảng. Theo đó, người tổ chức sẽ dự đoán những tình huống xấu nào có thể xảy ra, cách giải quyết cụ thể từng trường hợp ra sao… Làm như thế sẽ hay hơn là chỉ cố gắng làm một chương trình hoàn thiện theo kiểu tránh không để xảy ra một sơ suất nào. Trên thực tế, đây là điều không thể, có khi còn tác dụng ngược, bởi càng cố chu tất mặt này thì lại dễ sơ hở mặt khác.

Đối với mỗi người, kinh nghiệm học được là do tự mình rút tỉa từ những vấp váp của bản thân trong cuộc sống, nhưng đôi khi ta cũng học được qua câu chuyện của người khác. Biết để không phải đi vào vết xe đổ.

Những thử thách trong tổ chức sự kiện - Kỳ 2


3. Thông thường, khi tổ chức họp báo, giới thiệu sản phẩm, lễ trao giải thưởng… doanh nghiệp thường nhắm đến các tiêu chuẩn “sao” của khách sạn. Khách sạn càng nhiều sao càng được xem là tối ưu về điều kiện tổ chức, tiện nghi, phục vụ… Đã có doanh nghiệp tổ chức hội nghị khách hàng tại một khách sạn hàng đầu ở TPHCM, thư mời phát đi rồi mới biết nơi tổ chức không chứa nổi số khách mời. Lẽ ra, nếu cẩn thận thăm dò trước, có thể doanh nghiệp sẽ được cung cấp những số liệu cụ thể hơn. Chẳng hạn, nếu lượng khách mời vượt quá 500 người thì tại TPHCM chỉ có các khách sạn Equatorial, Sheraton và Park Hyatt là có khán phòng đủ rộng; ở Hà Nội thì có khách sạn Melia và Deawoo. Các khách sạn khác dù có nhiều “sao” nhưng sức chứa chỉ tối đa 300-400 người. Nhiều doanh nghiệp đã “sốc” khi làm chương trình mang tính chất giao lưu cộng đồng tại các sân vận động, nhà thi đấu, câu lạc bộ… Hệ thống máy lạnh kém, ánh sáng chập chờn, âm thanh lúc được lúc mất, an ninh lỏng lẻo, vệ sinh không đảm bảo… Có nơi lại không cho thời gian dàn dựng và chạy thử chương trình, vì tiền thuê địa điểm chỉ được tính cho thời gian diễn. Muốn được việc, doanh nghiệp phải bóp bụng trả thêm từ một nửa đến nguyên giá thuê, cho thời gian dàn dựng và diễn tập này.


4. Sự phối hợp không đồng bộ giữa các bộ phận làm chương trình cũng là một nguyên nhân gây trục trặc. Người mẫu không thể diễn khi sân khấu cứ được thiết kế theo kiểu… đủng đỉnh. Ca sĩ sẽ chịu trận nếu người phụ trách âm thanh không có sự chuẩn bị chu đáo trước giờ diễn. Ánh sáng trong thiết kế sân khấu cũng vậy, phải thật hoàn hảo ngay từ buổi diễn tập để đạo diễn sắp xếp đội hình người mẫu: cô mặc trang phục màu sậm thì đứng ở nơi có ánh sáng nhiều; trang phục sáng xuất hiện ở chỗ tối hơn; người mẫu diễn trang phục màu đỏ thì không đượcđể đèn xanh “đánh” vào… Người dẫn chương trình (MC) cũng có khi gây ra những cảnh “dở khóc dở cười”. Thông thường, bên làm chương trình sẽ gửi bài nói của MC trước vài ngày để MC đọc và tập dượt cho nhuần nhuyễn. Nhưng cũng có khi lu bu quá nên quên, hoặc do MC quá tự tin vào khả năng của mình nên không cần xem trước. Đã có trường hợp MC chỉ nhận bài nói của mình trước vài giờ, thậm chí ngay khi chương trình bắt đầu. Kết quả là nội dung một đàng, dẫn chương trình đi một nẻo!

Vấn nạn “sao” cũng làm đau đầu giới tổ chức sự kiện không kém. “Sao” thì có nhiều chương trình mời chào, hoặc tự mình làm cao nên thường không đến đúng giờ khiến ban tổ chức khốn khổ tìm cách “chữa cháy” chương trình. Quản lý các “sao” hoặc phải thật mềm mỏng, hoặc phải đúng người, đúng giới, “sao” mới chịu nghe. Ở một chương trình thời trang theo phong cách hoài cổ, đạo diễn yêu cầu người mẫu phải búi tóc cao để phù hợp với chiếc áo dài có những họa tiết về cảnh làng quê xưa. Lúc tập thì không có vấn đề gì, do chưa phải mặc trang phục diễn. Đến buổi diễn thử, trong đội hình người mẫu mười mấy người tự nhiên có hai cô tách ra đi làm đầu riêng - cô thì tóc duỗi, cô kia tóc xõa rẽ ngôi giữa. Lý do là vì tóc búi làm khuôn mặt các cô… không hợp với trang phục diễn! Dù đạo diễn đã cố giải thích rằng diễn thời trang cần nhất là làm toát lên ý tưởng bộ trang phục nhưng các cô vẫn không nghe. Nếu không kịp thời gọi ông bầu đến thì chương trình đã có nguy cơ bị gián đoạn.

Những thử thách trong tổ chức sự kiện - Kỳ 1



1. Đầu năm nay, một công ty tư vấn mới thành lập tổ chức hội thảo nhằm giới thiệu hoạt động của mình. Cho rằng việc này đơn giản, công ty không thuê dịch vụ bên ngoài mà tự đứng ra lo liệu. Do đặt chỗ ở một khách sạn sang nhất nhì ở Sài Gòn nên mọi thứ cần thiết cho hội thảo đã được sắp đặt chu đáo. Nhưng điều mà công ty không dự liệu trước là tính học thuật quá sâu của hội thảo - nhiều giáo sư, tiến sĩ lên đọc những bài tham luận dài lê thê - khiến người nghe khó tiếp thu, trong khi đó thời gian dành cho phần thảo luận lại không còn. Hội thảo kéo dài đến hơn một giờ chiều, khách tham dự bỏ về gần hết, buổi tiệc trưa của công ty xem như thất bại.


Vậy là chi hơn trăm triệu đồng để quảng bá hình ảnh công ty nhưng hiệu quả lại không đạt như mong muốn. Có thể công ty cho rằng một hội thảo được tổ chức trang trọng - thuê địa điểm đắt tiền, nhiều bài phát biểu “nặng ký”, chiêu đãi ăn trưa - sẽ hấp dẫn khách mời. Trong khi đó khách tham dự lại muốn đặt câu hỏi và tranh luận để hiểu sâu về đề tài. Lẽ ra, công ty nên báo cho diễn giả biết trước về đối tượng khách tham dự, đồng thời kiểm soát được thời gian trình bày của các diễn giả để không rơi vào tình thế bị động.

2. Cũng có những “sự cố” xảy ra ngoài ý muốn của doanh nghiệp hay nhà tổ chức chỉ vì không rành “luật lệ”. Đầu tiên là chuyện xin phép tổ chức họp báo, vốn đã được cơ quan quản lý quy định rất rõ: thời gian cấp phép cho doanh nghiệp Việt Nam là một ngày, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài là bảy ngày. Ai lo tổ chức họp báo cho doanh nghiệp nước ngoài mà không nắm quy định này, cứ đợi đến sát ngày mới xin phép thì không chừng phải rơi vào cảnh... hoãn họp! Kế đến là việc treo băng rôn quảng cáo cho sự kiện. Nếu có công ty tổ chức sự kiện nào hứa với khách hàng là sẽ treo băng rôn ít nhất trong một tuần, tại hơn 20 địa điểm “đắc địa” trong thành phố thì chỉ là… hứa hão!

Bởi vì thời gian treo băng rôn tối đa thường chỉ được phép năm ngày và chỉ được treo ở 20 địa điểm.

10 bí quyết để tổ chức thành công một sự kiện - Kỳ 3


8. Thiết lập và theo sát các mối liên hệ

Nếu triển lãm thương mại đang diễn ra, bạn hãy dồn hết sự tập trung vào “chất lượng”, thay vì số lượng các lần gặp gỡ khách hàng. Sau khi kết thúc một sự kiện thương mại như thế, bạn phải theo sát các mối liên hệ đã tạo dựng được để có thể tạo ra lợi nhuận thực sự cho công ty. Việc này là cả một quá trình đòi hỏi sự tập trung và kiên nhẫn. Đừng tiếp tục, nếu công ty của bạn chưa chuẩn bị kế hoạch quản lý những mối liên hệ đó. Hãy làm việc này trước khi quyết định bỏ vốn để đầu tư vào việc tổ chức sự kiện khác.


9. Nhân lực là yếu tố quan trọng

Nếu như các sự kiện thương mại là phương tiện quảng bá trực tiếp, thì yếu tố để đạt được mục tiêu quảng bá chính là chủ thể tham gia ở cả hai phía: người được truyền tải và người thực hiện việc truyền tải thông tin. Thành công sẽ nằm ở việc xác định đúng đối tượng khách hàng và thuyết phục họ hưởng ứng bạn trong sự kiện thương mại đó. Đồng thời, việc tuyển chọn, huấn luyện và tạo động lực tốt cho đội ngũ nhân viên để có thể giao tiếp với đối tượng khách hàng mục tiêu này cũng không kém phần quan trọng.

10. Sự kiện thương mại phải phục vụ cho mục tiêu kinh doanh

Đừng quá chú trọng vào các tiểu tiết mà bỏ quên mục tiêu chính. Tổ chức sự kiện thương mại là một hoạt động cực kỳ phức tạp: nó phải vừa là một cuộc triển lãm hàng hoá hấp dẫn, thu hút, vừa phải tạo được tinh thần hiếu khách, đồng thời bảo đảm các yếu tố hậu cần cũng như vô số những công việc lặt vặt khác.Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một yếu tố, một thành phần trong toàn bộ chiến lược tiếp thị, là phương tiện để hướng đến mục đích cuối cùng và chịu sự chi phối của toàn bộ chiến lược.

10 bí quyết để tổ chức thành công một sự kiện - Kỳ 2

4. Đặt mục tiêu cụ thể

Kế hoạch và ngân sách là những căn cứ để chúng ta đánh giá hiệu quả công việc. Lĩnh vực tổ chức sự kiện thường không được chú trọng và đầu tư đúng mức, vì thế khó mà “cân đo” được những kết quả mà hoạt động này mang lại cho danh tiếng của công ty, nếu không đặt ra trước những mục tiêu cần hướng đến. Đặt ra mục tiêu cho hoạt động tổ chức sự kiện là một công việc không hề đơn giản nhưng rất cần thiết, vì chúng ta cần phải đánh giá được hiệu quả công việc sắp tiến hành.


5. Tổ chức sự kiện không phải là một công cụ tiếp thị đa năng

Chẳng hạn, một cuộc triển lãm hàng hoá sẽ không mấy hiệu quả trong việc khuếch trương danh tiếng của công ty. Nếu mục tiêu của bạn chỉ gói gọn trong việc xây dựng một danh sách khách hàng để có thể liên lạc với họ thường xuyên, thì các cuộc triển lãm như thế là một cách làm vừa tốn kém, vừa phô trương. Có những lựa chọn khác thuyết phục hơn trong số những công cụ tiếp thị mà không phải nhờ sự trợ giúp của bộ phận tổ chức sự kiện. Do đó, không có gì đáng ngại nếu đối thủ cạnh tranh dành ra nhiều ngân sách hơn, đầu tư nhiều hơn cho hoạt động tổ chức sự kiện so với công ty của bạn. Bạn chắc chắn sẽ đạt được những kết quả tốt hơn họ nhờ vào những sự kiện tập trung, có mục đích cụ thể với ngân sách vừa phải.

6. Với một chương trình tiếp thị kéo dài nhiều tháng liền, sự kiện thương mại chỉ cần diễn ra trong một vài ngày

Tổ chức sự kiện chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn bộ chiến lược tiếp thị và quảng bá cho doanh nghiệp. Một số công ty nghĩ rằng họ cần kéo dài thời gian tổ chức hoặc tham gia các cuộc triển lãm thương mại. Hãy luôn nhớ rằng, chúng ta đang quản lý một chiến dịch tiếp thị toàn diện, trong đó sự kiện thương mại chỉ là một phần công việc phải được thực hiện mà thôi.

7. Quảng bá sự kiện

Không thể chỉ dựa vào việc điều hành, thực hiện một cuộc triển lãm sản phẩm mà doanh nghiệp có thể nắm bắt được tất cả các cơ hội tiềm năng. Quá trình quảng bá trước khi tổ chức sự kiện có thể nói là việc cần thiết và quan trọng nhất của hoạt động tiếp thị hiện đại, nhờ đó doanh nghiệp có thể xác định được đối tượng khách hàng mục tiêu và thu hút họ tham gia. Đối với những sự kiện thương mại có sự góp mặt của nhiều công ty khác nhau, bạn càng cần phải tổ chức hoạt động xúc tiến và quảng bá rộng rãi nhằm tranh thủ sự ưu tiên quan tâm của những khách hàng tham dự.

10 bí quyết tổ chức thành công một sự kiện - Kỳ 1

Trên thực tế, việc kết hợp giữa một kế hoạch chu đáo, sự đánh giá các khoản đầu tư với mục tiêu chiến lược chính là giá trị lớn nhất mà khoản đầu tư này mang lại cho doanh nghiệp. Trước hết, bạn cần phải xem xét những nguyên tắc cơ bản có ảnh hưởng quyết định đến sự thành công của hoạt động tổ chức sự kiện, được trình bày một cách cô đọng trong 10 nguyên tắc như sau :

1. Tổ chức sự kiện là kết hợp giữa bán hàng và hoạt động tiếp thị

Tổ chức sự kiện là sự phối hợp ăn ý giữa các yếu tố: hoạt động bán hàng, quản lý thông tin khách hàng, quan hệ công chúng, nghiên cứu thị trường, xây dựng nhãn hiệu và thâm nhập thị trường. Trên thực tế, trong lĩnh vực tiếp thị, tổ chức sự kiện rất gần với hoạt động bán hàng của công ty. Có thể nói, nó cũng na ná như việc bán hàng kèm theo một mẩu quảng cáo và một chiến dịch PR. Nếu hiểu hoạt động tổ chức sự kiện chỉ đơn giản là “bán hàng” hoặc “tiếp thị” thì chúng ta đã bỏ sót những yếu tố quan trọng khác của nó.


2. Tổ chức sự kiện phải là một thành phần không thể thiếu trong chiến lược tiếp thị hỗn hợp

Hãy xem việc tổ chức sự kiện là một phần của chiến lược đưa sản phẩm ra thị trường, bởi vì nếu chỉ được xem như một hoạt động phụ bổ sung vào chiến lược tiếp thị của công ty và mỗi năm chỉ “làm cho có”, nó sẽ nhanh chóng trở thành một khoản chi thay vì là vốn đầu tư. Do vậy, doanh nghiệp cần xem xét chiến lược tiếp thị hỗn hợp mà công ty thực hiện hàng năm để điều chỉnh hoạt động tổ chức sự kiện này sao cho có thể mang lại hiệu quả cao nhất. Nhưng bạn cũng đừng quên một điều: tổ chức sự kiện không phải lúc nào cũng là một lực đẩy cần thiết và phù hợp với mục tiêu kinh doanh của công ty.

3. Xác định đối tượng khách hàng mục tiêu

Mức độ thành công của một sự kiện được đánh giá thông qua số lượng và giá trị của những khách hàng mà sự kiện đó thu hút được, kể cả những khách hàng tiềm năng. Đối với một cuộc triển lãm thương mại, cho dù quy mô của nó có “tầm cỡ” đến đâu, bất kể bạn ra sức tạo ấn tượng như thế nào, nó cũng sẽ trở thành vô nghĩa nếu xác định sai đối tượng khách hàng mục tiêu. Do đó, khi chuẩn bị tổ chức sự kiện, bạn hãy lên kế hoạch chi tiết cho những hoạt động của mình nhằm thu hút đúng đối tượng khách hàng cần hướng đến, đồng thời hạn chế những đối tượng không có nhiều tiềm năng để chúng ta có thể làm việc tập trung và hiệu quả hơn. Bạn cần phải biết rõ khách hàng của mình là ai và những thông điệp gì bạn muốn truyền tải đến họ.